Our experiences

GẠCH TRẦN

METERIALS

– Đôi dòng chia sẻ về GẠCH TRẦN.
#Hinz có trải nghiệm thực hiện 1 số công trình sử dụng gạch trần trong thiết kế. Đây là 1 loại vật liệu truyền thống có sức biểu đạt cao về mặt thẩm mỹ. Đồng thời, nó cũng thể hiện tay nghề xây dựng của thợ và đơn vị thi công. Không chỉ Việt Nam, mà đến các Kiến trúc sư trên thế giới trong quá khứ cũng như hiện tại vẫn đang lựa chọn vật liệu này như 1 giải pháp phô diễn không gian và ý tưởng thiết kế của họ.
Tuy nhiên, trong quá trình gặp gỡ và tư vấn cho khách hàng, chúng tôi nhận thấy là phần đa vẫn đang có 1 vài ngộ nhận về việc lựa chọn vật liệu này cho không gian kiến trúc của mình. Vì thế, thông qua chia sẻ bên dưới, chúng tôi hi vọng có thể giải đáp 1 phần nào các khúc mắc của mọi người về loại vật liệu đầy cảm xúc này.
1/ ” Đây là giải pháp TIẾT KIỆM “
Sự thật thì không phải như vậy.
Để cấu thành chi phí cho 1 hạng mục nào đó, cần xét tới 3 yếu tố : Giá thành vật tư cho 1 đơn vị khối lượng, thời gian thi công và chi phí xử lý hoàn thiện.
Với cách xây dựng thông thường, 1m2 tường xây cần khoảng 60 viên gạch ống 4 lỗ, trong khi đó nếu xây bằng gạch đặc sẽ cần đến 120 viên. Chưa kể giá thành 1 viên gạch đặc luôn cao hơn gạch ống. Vì thế, chi phí vật tư cho 1 m2 gạch trần sẽ cao hơn rất nhiều.
Với mảng tường xây thông thường, người thợ tay nghề cao sẽ xây được 7-10m2 tường 1 ngày. Trong khi đó, với tường xây trần trang trí, họ sẽ chỉ có thể hoàn thành được 1-2m2. Chưa kể, phải vừa xây vừa cân chỉnh gạch và ron gạch để đảm bảo tính thẩm mỹ. Vì thế, thời gian thực hiện sẽ lâu gấp nhiều lần so với tường thông thường.
Gạch trần mặc dù có thể bỏ qua lớp vữa trát và sơn nước hoàn thiện, nhưng bắt buộc vẫn phải xử lí nguội bề mặt sau khi hoàn thành và phủ 1 lớp hóa chất bảo vệ để chống thấm và rêu mốc.
Với các lý do trên, việc sử dụng Gạch trần cho thiết kế không nên được xét là 1 giải pháp tiết kiệm chi phí xây dựng.
2/ “Đây là 1 giải pháp DỄ THI CÔNG “
Đây cũng là 1 nhận định không chính xác.
Với 1 bức tường xây thông thường, người thợ sẽ không quá chú trọng đến tính thẩm mỹ, mà sẽ tập trung vào tính bền chắc và đúng kích thước của bức tường. Các vấn đề thẩm mỹ sẽ được lớp vữa trát và lớp sơn hoàn thiện giải quyết. Trong khi đó với gạch trần, người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn. Vì nếu không, sẽ phải tháo ra làm lại nhiều lần. Chưa kể, nếu sử dụng gạch nung truyền thống, chất lượng và hình dạng viên gạch không đồng bộ, nên tất yếu phải qua bước CHỌN GẠCH để thi công. Và không phải người thợ nào cũng có thể xây loại tường như thế này. Phải là những người thợ có tay nghề và có tính kiên nhẫn cao.
3/ “Loại tường này có khả năng CHỐNG THẤM TỐT “
Đây cũng là 1 sự hiểu chưa chính xác.
Bản chất là các loại vật liệu xây dựng truyền thống có nguồn gốc từ nguyên liệu tự nhiên là đất và đá đều có độ xốp nhất định, kể cả là bê tông. Nước sẽ xuyên qua các lỗ li ti của vật liệu để đi vào trong công trình. Gạch trần cũng không ngoại lệ.
Chưa kể, đối với tường gạch trần, thì chỗ dễ thấm nhất lại là ngay tại các mạch ron bằng vữa và các vị trí giao cắt cấu tạo. Cho nên, dù thế nào, để hoàn thiện nó, vẫn phải qua bước xử lý nguội và phủ hóa chất bảo vệ nhằm chống thấm và chống rêu mốc.
Với #HINZ, gạch trần vẫn là 1 loại vật liệu đầy hấp dẫn và có tính thách thức cao đối với Người thiết kế lẫn Người thi công. Trong tương lai, chúng tôi cũng hi vọng sẽ có thêm cơ hội để thực hiện nhiều công trình với loại vật liệu cảm xúc này. Tuy nhiên, thông qua các chia sẻ bên trên, hi vọng là chúng ta sẽ có những hiểu biết chung. Để quyết định lựa chọn sẽ nhằm mục tiêu đúng đắn hơn cho công trình của mình.
Các công trình tham khảo : http://hinz.vn/projects/
#Chivihouse
#ZIP
#Minaka
#TheTUBON